TIỂU SỬ THÁI PHIÊN (1882-1916)
Thái Phiên hiệu là Nam Xương sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Nghi An ( huyện Hoà Vang - tỉnh Quảng Nam cũ ), nay là thành phố Đà Nẳng. Ông là con trai duy nhất của ông Thái Duy Tân và bà Lê Thị Tý.Từ bé ông theo học chữ nho sau đó xuống Đà Nẵng học chữ Pháp. Thái Phiên tư chất thông minh, học giỏi.
Thái Phiên thường đem câu “ Quốc sĩ ngô thân sĩ, quốc nhục ngô thân nhục” để đàm luận với bạn bè, đồng chí. Trịnh Long - em vợ ông, là đồng chí đầu tiên của Thái Phiên.
Thái Phiên đã từng thi đỗ vào thương chánh ( tức hải quan ngày nay ) và được bổ vào Hiệp Hoà ( Tam Kỳ ).Tại đây ông quen biết một người Pháp làm nghề thầu khoán có tên là Le Roy. Sau một thời gian làm việc tại Hiệp Hoà, Thái Phiên thấy công việc không phù hợp với ý chí của mình nên ông đã xin từ chức thư ký thương chính. Le Roy là một người Pháp tốt bụng, muốn Thái Phiên đi làm việc với ông để hưởng lương cao hơn. Mặc dù cảm lòng tốt của Le Roy nhưng Thai Phiên vẫn khước từ hợp tác với người Pháp. Thế là ông từ bỏ chức vụ, lương bổng trở về quê nhà.
Kể từ khi phong trào Cần Vương ở Quảng Nam thất bại, Tiểu La Nguyễn Thành - một trong những lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam - đã về ẩn náu tại sơn trang trại Nam Thịnh (Thăng Bình) để bí mật liên lạc với các nhà yêu nước. Nhóm người yêu nước nầy đã mời được hoàng thân Cường Để làm hội chủ của tổ chức Duy Tân hội. Thái Phiên đã liên lạc được với Tiểu la Nguyễn Thành và các nhân sỹ yêu nước. Tháng 5 năm 1904, Thái Phiên có mặt tại cuộc họp tại Sơn trang trại Nam Thịnh. Ông đã tham gia tổ chức Duy Tân hội, sau đó là tổ chức Đông Du, lo việc kinh tài đồng thời cũng đóng góp quan trọng trong việc dạy tiếng Pháp ở các trường của phong trào Duy Tân.
Công việc đang tiến triển thuận lợi thì nổ ra phong trào chống sưu thuế. Phong trào này bắt đầu từ huyện Đại Lộc, lan ra cả tỉnh rồi sau đó mở rộng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Trung bộ. Chính quyền thực dân Pháp đã đàn áp dữ dội và bắt giam toàn bộ giới trí thức, trong đó có yếu nhân quan trọng của Duy tân hội là Tiểu La Nguyễn Thành. Khi mất Tiểu La, Phan Bội Châu với tư cách là nhà lãnh đạo công khai của Hội Duy Tân lo lắng: “Than ôi!Núi Hải Vân còn đó , biển Đà Nẵng còn đó , ai là người Tiểu La tiên sinh thứ hai?”Câu hỏi cháy lòng đó, may thay lịch sử đã có câu trả lời đúng đắn: Là Thái Phiên.Có thể nói Thái Phiên đã kế tục xuất sắc vai trò của Tiểu La Nguyễn Thành trong Duy Tân hội. Chính ông là người nhận và giải quyết mọi thư từ giao dịch của Duy tân hội đến nỗi người đương thời gọi Thái Phiên là ông Nam Thịnh. Trong các năm 1909-1912, các nhân vật trọng yếu của phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du chưa bị sa vào tay giặc, ngấm ngầm hoạt động trở lại, xây dựng cơ sở mới và tập hợp chung quanh Thái Phiên, người lãnh đạo chính của phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Thái Phiên bí mật liên lạc với bên ngoài, các tỉnh ( chủ yếu ở miền Trung ) thì gặp Lâm Quảng Trung- một chí sỹ yêu nước ở Quảng Ngãi có chân trong Việt Nam Quang Phục hội- vừa ở Trung Quốc về vận động cho VN Quang Phục hội.( một tổ chức do Phan Bội Châu thành lập năm 1912 ở Quảng Đông Trung Quốc chủ trương cứu nước bằng con đường bạo động)
Các sĩ phu ở Quảng Nam tiếp nhận mục đích tôn chỉ của Hội và nhận chiến đấu trong tổ chức cách mạng nầy. Có thể nói, Thái Phiên là gạch nối gữa hai thời kỳ, hai phong trào: phong trào Đông du và tổ chức Việt Nam Quang phục hội.
Cuối năm 1913, nghe tin Phan Bội Châu bị bắt ở Trung Quốc, Thái Phiên mời Lê Ngung, người lãnh đạo phong trào ở Quảng Ngãi ra Đà Nẳng họp với một số đồng chí. Sau khi nghe báo cáo tình hình phong trào ở các tỉnh, cuộc họp chủ trương một mặt vẫn giữ liên lạc với bên ngoài, mặt khác lo chỉnh đốn hàng ngũ, mở rộng thế lực trong nước, chuẩn bị sẵn sàng, chờ cơ hội tốt để khởi nghĩa. Thái Phiên mời được Trần Cao Vân- người bị thực dân Pháp đày ra Côn đảo vừa mới đựoc tha về- tham gia cuộc khởi nghĩa. Trần Cao Vân đựoc giao trách nhiệm thăm dò tư tưởng và xu hướng chính trị của vua Duy Tân, để nếu có thể thì mời nhà vua tham gia cuộc khởi nghĩa.
Phong trào cứu nước không những sống lại, phát triển mạnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi mà ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên cũng gây dựng thêm được nhièu cơ sở.
Năm 1914 chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Tháng 7 năm sau, quân Pháp và quân đồng minh gặp khó khăn cho nên thực dân Pháp ra sức bắt lính ở thuộc địa đưa sang chính quốc. Ở Quảng Nam, các nhà yêu nước phái người len lỏi vào trong hàng ngũ anh em lính mộ để tuyên truyền giác ngộ, phổ biến những bài thơ ca khơi gợi lòng yêu nước, được nhiều anh em hưởng ứng.
Trước tình hình trên, Lê Ngung một mặt viết thư xin ý kiến của Phan Bội Châu, mặt khác viết thư cho Thái Phiên đề nghị khởi nghĩa.Trong thư có câu “Thời cơ, thời cơ, thời cơ không trở lại;bây giờ không nổi dậy , còn thời cơ nào nữa ?”
Thái Phiên triệu tập ngay đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Bình họp đại hội lần thứ nhất ( của VNQPH khu vực miền Trung) tại Huế vào tháng 9 năm 1915, đưa ý kiến của Lê Ngung ra bàn. Thái Phiên đựoc cử chủ tọa đaị hội.
Đại hội quyết định hoãn ngày khởi nghĩa lại một thời gian để tăng cường lực lượng và tiến hành mấy công tác gấp rút: viết thư lần thứ hai xin chỉ thị của Phan Bội Châu; phát triển mạnh lực lượng ra các tỉnh, chú ý Thừa Thiên và Bình Định; mời vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa để yên lòng dân; dự thảo hịch, chương trình kiến quốc.Một việc cần thiết nữa là liên lạc với viên thiếu tá người Đức đóng ở đồn mang cá ( Huế ) để người nầy làm nội ứng khi khởi nghĩa.
Sau đại hội, quần chúng lao động tham gia chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra rất sôi nổi, nhất là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tháng 1 năm 1916, một cuộc họp đựoc triệu tập tại huyện Hòa Vang để triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Mục tiêu khởi nghĩa là: đánh đổ thực dân Pháp, xây dựng Việt Nam thành nước “Việt Nam cộng hòa dân quốc”.Tháng 2 năm 1916, Việt Nam Quang Phục hội đã tiến hành đại hội tại Huế gồm các yếu nhân quan trọng như: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài (Quảng Nam), Lê Ngung (Quảng Ngãi), Nguyễn Chánh (Quảng Bình), Đoàn Bảng (Thừa Thiên-Huế )…để bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa. Đại hội thành lập ủy ban khởi nghĩa do Thái Phiên đứng đầu kiêm tổng chỉ huy quân sự. Kế hoạch khởi nghĩa dự kiến đồng loạt diễn ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thái Phiên và Trần Cao Vân trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại kinh đô Huế. Tuy nhiên, do chưa liên hệ được với vua Duy Tân nên Thái Phiên và Trần Cao Vân đề nghi hoãn kế hoạch khởi nghĩa. Thái Phiên tự mình cùng Trần Cao Vân lãnh trọng trách gặp gỡ, liên lạc với vua Duy Tân -một nhiệm vụ rất nguy hiểm, bởi vì vị vua yêu nước lúc nầy đạng bị mật thám Pháp giám sát chặt chẽ tại Huế. Ngày 14.4.1916 Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm ngư phủ vào câu ở hồ Tịnh Tâm (thành Nội), đã bí mật gặp và mời Vua Duy Tân tham gia cách mạng. Nhà vua đồng ý. Sau cuộc gặp mặt đó, các chỉ thị của tổ chức Việt Nam Quang phục hội như chương trình, mật chiếu, hịch của cuộc khởi nghĩa đều do một mình Thái Phiên soạn thảo rồi trình cho vua Duy Tân xem. Có thể nói Thái Phiên là kiến trúc sư trưởng của cuộc khởi nghĩa năm 1916 ở Huế.
Công cuộc khởi nghĩa đang đựoc các tỉnh chuẩn bị khẩn trương thì kế hoạch bị lộ. Pháp bắt được Duy Tân ở thôn Ngũ Tây huyện Hương Thủy và đưa về giam tại đồn Mang Cá, Huế. Chính phủ bảo hộ buộc Nam triều phải đưa Hoàng đế Duy Tân ra trước Hội đồng Nhiếp chính xử về tội "phản bội." Toàn thể Hội đồng cử quan đại thần Thượng thơ Bộ Học Hồ Đắc Trung làm chánh án. Ông Hồ Đắc Trung vốn là bạn học của các ông Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Thái Phiên. Trần Cao Vân và các đồng chí sau khi bị bắt, đã viết thơ mật cho Thượng thơ Hồ Đắc Trung yêu cầu cứu vua và họ khẳng khái nhận hết trách nhiệm. Trong thơ có câu: "Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!Trời còn đó!Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó!Mong cho thánh thượng sinh toàn!"
Trong phiên xử ,thay vì tuyên án vua Duy Tân như trong bản án có sẵn của Pháp thì ông Hồ Đắc Trung làm ngược lại, ông tuyên bố tha bổng Vua Duy Tân vì ông cho rằng nhà vua bị nhóm nổi loạn lợi dụng tuổi trẻ, hành động sơ suất, có lỗi với Chính phủ bảo hộ nhưng không phạm tội đối với nhân dân Việt Nam. Quyết định của vị chánh án đã làm đổi ngược tình thế và đẩy chính phủ bảo hộ vào một thế kẹt. Thực dân Pháp bất ngờ và vô cùng tức giận trước hồi mã thương của quan chánh án. Chúng không làm gì được, bèn lập tức bắt giam ông cùng nhà Vua nhưng cuối cùng thực dân Pháp phải duyệt y bản án, đày vua Duy Tân qua đảo La Réunion ngày 3.11.1916.
Trước đó, vào ngày 17.5.1916 Thái Phiên và các đồng chí của ông gồm Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị đưa ra pháp trường An Hòa gần thành phố Huế hành quyết. Lúc bấy giờ Thái Phiên mới 34 tuổi.
Trong bài văn tế cụ Tiểu La, Phan Bội Châu có lời thương tiếc Thái Phiên:
Bảy thước thân trai gánh nợ đời
Tinh thần khu xác một mà hai
Trong vòng lồng chậu chim không cá,
Trước mặt non sông có bể trời.
Cây cỏ biết đem dây máu nhuộm,
Ruột gan hòng cậy tấm trănmg soi.
Chúng ta cũng vẫn dòng Hồng Lạc
Xin hỏi Nam Xương có mấy ai ?
Thái Phiên là người con ưu tú của quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng, một chí sỹ đã hiến cả tuổi xuân của mình cho công cuộc giải phóng đất nước. Cuộc đời Thái Phiên mãi mãi là tấm gương yêu nước cao cả để thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.